Free website hits

Thông tin thị trường

Đà Nẵng thu hút đầu tư, tạo đột phá trong trạng thái bình thường mới - Bài 2: Hoàn thiện hạ tầng, số hóa xúc tiến đầu tư

Lượt xem: 47314/10/2020Chia sẻ

Trong dịch Covid-19, chính quyền TP. Đà Nẵng đã chủ động thích ứng hoạt động xúc tiến đầu tư bằng phương thức trực tuyến. Dịch Covid-19 được khống chế, TP. Đà Nẵng tập trung đẩy nhanh xây dựng "hạ tầng cứng", hoàn thiện "hạ tầng mềm", sẵn sàng đón làn sóng FDI đang dịch chuyển.

Đẩy nhanh "hạ tầng cứng”, hoàn thiện "hạ tầng mềm”

Để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, TP. Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao (KCNC), các khu công nghiệp (KCN).

TP. Đà Nẵng vừa khởi công dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 704 tỷ đồng, khi hoàn thành và đi vào sử dụng sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ số.

dau tu tai da nang
TP. Đà Nẵng đầu tư gần 704 tỷ đồng xây dựng nơi làm việc tập trung cho khoảng 6.000 kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ sống. Ảnh: Thiết kế mô phỏng Khu Công viên phần mềm số 2

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh, đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa đối với phát triển công nghiệp CNTT và tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, khơi thông nguồn vốn, đặc biệt là phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại KCNC, ông Nguyễn Văn Anh - Giám đốc Ban quản lý (BQL) Các dự án phát triển hạ tầng các KCN & KCNC Đà Nẵng - cho biết, đến thời điểm hiện tại, Dự án KCNC Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I (98%) và giai đoạn II (đạt 90%). Giai đoạn III hiện đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành quý II/2021; Dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án KCNC Đà Nẵng đã thi công được 70% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong qúy I/2021.

Ngoài ra, Đà Nẵng đang lựa chọn nhà đầu tư cho 3 dự án KCN mới gồm KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh với tổng diện tích hơn 880ha, tổng chi phí đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp (CCN), trước mắt là CCN Cẩm Lệ, sau đó là CCN Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc.

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở "hạ tầng cứng", chính quyền thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng “hạ tầng mềm”.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng - cho rằng, TP. Đà Nẵng cần thiết phải chú trọng đến rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, tiếp cận mặt bằng và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải trong quá trình triển khai dự án, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp… và kết quả PCI sẽ phản ánh rõ nét nhất những nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

dau tu tai da nang
Dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê trong KCNC Đà Nẵng có quy mô 15ha, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng đã được UBND TP. Đà Nẵng cấp chứng nhận đầu tư hôm 22/9

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI năm 2020 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ - đã có Văn bản số 5267/UBND-SKHĐT, đưa ra những việc TP. Đà Nẵng cần làm ngay đó là đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai 100% thủ tục hành chính, phí, lệ phí, các tài liệu quy hoạch, kế hoạch; triển khai có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp; thường xuyên gặp gỡ đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, giao việc cụ thể cho từng Sở, ban, ngành để khắc phục các chỉ số giảm điểm, chỉ số tăng điểm nhưng tụt hạng gồm chỉ số Gia nhập thị trường, chỉ số Tiếp cận đất đai, chỉ số Tính minh bạch, chỉ số Chi phí thời gian, chỉ số Đào tạo lao động, chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng.

Số hóa thu hút đầu tư

Ngay từ khi dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp ở Việt Nam (đầu tháng 3/2020), chính quyền TP. Đà Nẵng đã chủ động thích ứng với dịch Covid-19 bằng cách số hóa toàn bộ hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư - thực hiện xúc tiến đầu tư thông qua phương thức trực tuyến. Hiện Đà Nẵng đã tổ chức được các hội nghị trực tuyến với các thị trường như châu Âu, châu Mỹ, châu Á, Nhật Bản, sắp tới là Đài Loan. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên của cả nước ứng dụng CNTT để xúc tiến đầu tư trực tuyến.

Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá môi trường đầu tư được đa dạng qua các ấn phẩm, tài liệu nhằm giới thiệu trực tuyến đến các nhà đầu tư quan tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu cơ hội đầu tư của Đà Nẵng trên các phương tiện thông tin đại chúng uy tín trong và ngoài nước.

Công tác kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư được chú trọng, nhiều buổi làm việc của lãnh đạo thành phố, các kết nối hướng dẫn thủ tục đầu tư cũng được tổ chức thường xuyên bằng hình thức tổ chức trực tuyến.

dau tu tai da nang
TP. Đà Nẵng đã chủ động thích ứng với dịch Covid - 19 bằng cách số hóa toàn bộ hoạt động xúc tiến đầu tư. Ảnh: Xúc tiến đầu tư CNTT & Truyền thông (ICT) Nhật Bản vào Đà Nẵng bằng hình thức trực tuyến

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường số hóa các thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục để tìm hiểu, đầu tư qua hệ thống một cửa trực tuyến. Trong đó, Dự án Xây dựng nhà xưởng cho thuê trong KCNC Đà Nẵng của Công ty CP công nghệ - viễn thông Sài Gòn (Saigontel) là một điển hình.

"Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Saigontel đánh giá rất cao TP. Đà Nẵng, chúng tôi đã nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến (online) và TP. Đà Nẵng cũng xét duyệt hồ sơ bằng hình thức online. Đó là điểm sáng nhất khi chúng tôi nộp hồ sơ đầu tư đợt này", ông Phan Thành Tâm - Phó Ban đầu tư Tập đoàn Saigontel - thông tin và cho biết thêm, đơn vị nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư cũng như ủy ban, các ban ngành. Đây cũng là một trong những điểm cộng của chính quyền Đà Nẵng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố vẫn đang tiếp tục nỗ lực, kịp thời tiếp nhận các thắc mắc của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn quan tâm để phản hồi thông tin trong thời gian ngắn nhất. “Ban đã có những trao đổi liên tục với các nhà đầu tư tiềm năng để biết nhà đầu tư cần tìm hiểu gì, mong muốn gì về quá trình tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư của thành phố để hỗ trợ”, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm - Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đà Nẵng - nói và cho biết, thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục chủ động thích ứng bằng việc đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến với nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ để thu hút đầu tư, trong đó chú trọng ứng dụng CNTT để tiếp cận với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU.

Chuẩn bị tốt để đón làn sóng chuyển hướng đầu tư sau đại dịch Covid-19

Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Công ty CP Long Hậu, CN Đà Nẵng - các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) được thông qua cùng với làn sóng di dời đầu tư từ Trung Quốc, khiến Việt Nam đang trở thành cái tên được cái nhà đầu tư chú ý. Đặc biệt, thông tin đầu tư của Apple, Samsung, LG, Microsoft sẽ là bước đi lớn trong việc hình thành chuỗi cung ứng trong ngành điện tử. Các doanh nghiệp điện tử khả năng cao sẽ chọn Việt Nam do chuỗi cung ứng đã tương đối hình thành. Trong đó, KCNC Đà Nẵng được xem là điểm đến phù hợp, thu hút làn sóng FDI được dự báo gia tăng trong thời gian tới. “Thành phố cần chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhanh chóng đi vào hoạt động”, ông Hiếu nói.

dau tu tai da nang
TP. Đà Nẵng vừa được lựa chọn trở thành "cứ điểm" xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn điện tử LG (Hàn Quốc)

Theo các doanh nghiệp, TP. Đà Nẵng cần mạnh dạn áp dụng các thực tiễn tốt cải thiện môi trường kinh doanh ở trong và ngoài nước. Đặc biệt cần được nhân rộng và lan tỏa các thực tiễn tốt từ chính câu chuyện của mình, ví dụ như Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Mikazuki Spa và Hotel Resort Xuân Thiều đã rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư và sớm đi vào hoạt động. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục triệt để tâm lý e dè, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ công chức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực tế việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. “Chất lượng không chỉ dựa vào số thủ tục có thể triển khai trực tuyến mà là chất lượng, số lượng thủ tục, hồ sơ được xử lý thông qua thủ tục công trực tuyến, thời gian được rút ngắn, tính minh bạch, chi phí chính thức và không chính thức được tiết giảm khi áp dụng TTCTT so với cách “truyền thống” và được kết nối, chia sẻ, dùng chung trong quản lý…”, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng góp ý.

Để sẵn sàng đón "làn sóng" FDI, bên cạnh ưu tiên thu hút đầu tư vào nhóm các ngành nghề đón đầu CMCN 4.0, TP. Đà Nẵng sẽ quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu có nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh; tiếp tục triển khai chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2020”, kết hợp xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước với xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Bên cạnh đó, triển khai lập Quy hoạch phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tháo gỡ khó khăn cho các dự án quy mô lớn, chậm triển khai, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án; chuẩn bị quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Khu công nghiệp Long Hậu - Đối tác phát triển bền vững
Địa chỉ: Ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
Hotline: (+84 28) 3937 5599 - (+84) 906 938 599
Email:
sales@longhau.com.vn
Fanpage: fb.me/longhau.com.vn
Zalo Official: https://zalo.me/2384735100152725129