Free website hits

Thông tin thị trường

Đà Nẵng thu hút đầu tư, tạo đột phá trong trạng thái bình thường mới - Bài 3: Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong thời kỳ mới

Lượt xem: 58716/10/2020Chia sẻ

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển, TP. Đà Nẵng sẽ hoàn tất được “bức tranh” thu hút đầu tư. Để CNHT phát triển, các doanh nghiệp cho rằng, chính quyền thành phố cần tập trung giải bài toán về thiếu mặt bằng và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNHT công nghệ cao.

Ngành ưu tiên nhưng chậm phát triển

Công nghiệp hỗ trợ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, là lĩnh vực ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư và phát triển, để phục vụ cho sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hướng tới sản xuất theo chuỗi cung ứng với những doanh nghiệp cấp 1 và doanh nghiệp vệ tinh đủ mạnh.

dau tu tai da nang
Doanh nghiệp CNHT tại Đà Nẵng còn yếu và thiếu

Tuy nhiên, trên thực tế, lĩnh vực CNHT tại Đà Nẵng đến hiện tại phát triển vẫn rất chậm. Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có khoảng 115 doanh nghiệp CNHT, chỉ chiếm khoảng 6,3% trong tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Đa số các doanh nghiệp CNHT có quy mô nhỏ, rất nhỏ. Trong đó, từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng thu hút được 24 dự án công nghiệp hỗ trợ mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm (VA) của CNHT Đà Nẵng năm 2019 ước đạt 3.600 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng VT toàn ngành công nghiệp và chiếm 22,4% trong tổng VA ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo ông Phan Duy Phương - Giám đốc Công ty TNHH U&I Phương Quân - CNHT tại TP. Đà Nẵng hiện đang rất yếu và thiếu. Các doanh nghiệp sản xuất cơ khí lớn tại Đà Nẵng cũng đang chịu thiệt thòi nhiều vì điều này, và đang phụ thuộc hầu như vào TP. Hồ Chí Minh, từ các linh kiện, phụ kiện, máy cân bằng cơ khí.... Công ty Phương Quân mỗi năm sản xuất cung ứng khoảng hơn 500 máy móc thiết bị, với mỗi máy móc đều cần phải sử dụng đến thiết bị cân tự động (để đo độ cân bằng của máy).

“Tuy nhiên, do lĩnh vực CNHT này tại Đà Nẵng chưa có nên công ty phải đưa vào TP. Hồ Chí Minh để cân, chi phí vận chuyển và phí cân thiết bị vào khoảng từ 2 - 6 triệu/máy, cũng vì vậy, chi phí sản xuất bị đội lên rất nhiều”, ông Phương nói và cho biết, do yêu cầu của sản xuất nên công ty đã vừa tự đầu tư một thiết bị CNHT là máy cân bằng động trị giá gần 700 triệu đồng.

“Với thiết bị hỗ trợ này, mỗi năm công ty tiết kiệm được tới hơn 2 tỷ chi phí. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với các đơn vị có nhu cầu sử dụng máy tại Đà Nẵng để máy hoạt động hiệu quả tốt nhất”, ông Phương cho hay. Theo ông Phương, nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo máy lớn nói riêng, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Đà Nẵng nói chung đang rất cần có trợ lực từ các doanh nghiệp CNHT.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Công ty CP Long Hậu, Chi nhánh Đà Nẵng - cho rằng, ngành công nghiệp phụ trợ tại Đà Nẵng đã có những tiến bộ nhất định, song vẫn còn chậm. Đa phần doanh nghiệp làm CNHT là các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trong nước rất ít, quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất các linh kiện đơn giản, giá trị thấp, chưa thực sự đáp ứng về năng lực đối với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu.

dau tu tai da nang
Công ty Phương Quân tự đầu tư máy móc hỗ trợ phục vụ sản xuất

Làm gì để thúc đẩy CNHT phát triển?

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, CNHT tại Đà Nẵng chưa thực sự như mong muốn do số lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố còn ít, nhất là khu vực doanh nghiệp trong nước; nguồn lực (nhân lực, vật lực) để hỗ trợ doanh nghiệp CNHT còn hạn chế…

"Để đón nguồn vốn đầu tư hậu Covid-19 đang có xu hướng dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á, TP. Đà Nẵng đang xây dựng và sẽ ban hành chương trình phát triển CNHT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp CNHT theo hướng tăng số lượng và năng lực sản xuất, tạo ra các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu nội địa hoá ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Trong đó tập trung đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ưu tiên tại Đà Nẵng gồm: công nghiệp công nghệ cao, điện tử - viễn thông, sản xuất - lắp ráp ô tô, cơ khí trọng điểm, nhằm giảm nhập siêu nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng và thúc đẩy xuất khẩu, sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành CNHT nói riêng và công nghiệp thành phố nói chung", bà Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết thêm.

Các doanh nghiệp cho rằng, không chỉ riêng CNHT, mà sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời gian qua chưa được chính quyền thành phố dành sự quan tâm, đầu tư thích đáng, và điểm vướng mắc lớn nhất của lĩnh vực này chính là mặt bằng sản xuất. “Có rất nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo máy lớn tại Đà Nẵng nhưng có rất ít doanh nghiệp hỗ trợ. Đây là một mảng trống. Hiện Đà Nẵng cũng có nhiều xưởng sản xuất hỗ trợ cho công nghiệp nặng, tuy nhiên, lại chủ yếu nằm ở trong khu dân cư, quy mô rất nhỏ, năng lực sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe còn rất ít”, ông Phương phân tích và cho rằng, cần thiết phải đẩy nhanh việc xây dựng và đưa vào hoạt động khu CNHT để tạo nơi làm việc tập trung, chuyên nghiệp và “nâng tầm” các doanh nghiệp CNHT Đà Nẵng.

dau tu tai da nang
Nhà xưởng công nghệ cao tại KCNC TP. Đà Nẵng

Hoàn thiện bức tranh trong tình hình mới

Ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mục tiêu là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Trong đó, về công nghiệp, Đà Nẵng sẽ có vai trò là một trung tâm về công nghiệp công nghệ cao, CNTT, CNHT phát triển của đất nước.

Trong thời gian qua, công nghiệp công nghệ cao, CNTT đã được chính quyền thành phố chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ. Riêng CNHT vẫn còn khá trầm lắng. Thúc đẩy CNHT phát triển sẽ hoàn tất bức tranh thu hút đầu tư của TP. Đà Nẵng.

Ở góc độ một nhà đầu tư về nhà xưởng phục vụ công nghiệp hỗ trợ, ông Bùi Lê Anh Hiếu cho rằng, Đà Nẵng muốn phát triển ngành CNHT ngoài yếu tố mặt bằng nên tập trung vào 2 yếu tố nữa là ưu đãi đầu tư và nhân lực. “Nên dành quỹ đất hợp lý cho khu CNHT, bố trí mặt bằng sản xuất, đặc biệt là nhà xưởng cho thuê vừa và nhỏ dành cho doanh nghiệp. Cần cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ pháp lý, tuyển dụng lao động, thiết kế nhà xưởng…. Nên có những chính sách ưu đãi thực sự hấp dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc cho các doanh nghiệp CNHT, và thành phố cũng nên có các chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào kỹ năng sản xuất sản phẩm phụ trợ như: Kỹ năng vận hành máy móc thiết bị, quản lý chất lượng sản phẩm…”, ông Hiếu nói.

Ở góc nhìn của đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng - cho rằng, Đà Nẵng cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển ngành CNHT, doanh nghiệp hoạt động ngành CNHT. Cần chú trọng đánh giá năng lực thực tế, chọn lọc doanh nghiệp có năng lực nhằm hỗ trợ và hỗ trợ thích đáng để các doanh nghiệp này sớm đủ lực tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ này. Bênh cạnh đó, thành phố tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực CNHT của Đà Nẵng nhằm góp phần xây dựng ngành CNHT của Đà Nẵng có đủ năng lực, khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng này.

TP. Đà Nẵng đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển khu vực CNHT trong KCNC Đà Nẵng trở thành khu CNHT.

Dự án Khu CNHT phục vụ KCNC Đà Nẵng có diện tích quy hoạch 102ha, tổng mức đầu tư 235 tỷ đồng. Hiện công tác thi công dự án đang được tích cực đẩy nhanh. Hạng mục san nền khu phụ trợ cùng hệ thống các trục đường đang được gấp rút triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Hiện đã giải ngân 126,5 tỷ đồng nguồn vốn dự án.

Khu CNHT Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian cho CNHT phát triển tập trung, cung cấp sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao trong KCNC thành phố; hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy ngành CNHT công nghệ cao và xa hơn nữa là giúp doanh nghiệp CNHT thuận lợi trong việc cung cấp, kết nối với doanh nghiệp cấp 1 (doanh nghiệp sản xuất chính), trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Khu công nghiệp Long Hậu - Đối tác phát triển bền vững
Địa chỉ: Ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
Hotline: (+84 28) 3937 5599 - (+84) 906 938 599
Email:
sales@longhau.com.vn
Fanpage: fb.me/longhau.com.vn
Zalo Official: https://zalo.me/2384735100152725129