Kỳ vọng dòng vốn từ xứ cờ hoa đổ vào công nghệ, đổi mới sáng tạo
Cơ hội từ hợp tác số, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo
Cụ thể trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đã khẳng định, Việt Nam và Mỹ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.
Trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu đô la Mỹ, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Mỹ là nền kinh tế có thế mạnh về công nghệ và dịch vụ với nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới. Do đó, những động thái trên được giới phân tích đánh giá là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.
Điều này được đánh giá là cơ hội để Việt Nam thu hút nhiều đầu tư công nghệ bán dẫn của các tập đoàn từ xứ cờ hoa nhiều hơn nữa.
Và trên thực tế không ngẫu nhiên trong khoảng 30 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tháp tùng Tổng thống Joseph Biden thăm Việt Nam, có nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn và công nghệ lớn như Intel, Amkor, Marvell, Global Foundries, Google… Lãnh đạo các doanh nghiệp này cùng với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đã tham gia Hội nghị Cấp cao Việt Nam – Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo vào ngày 11-9 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo TTXVN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết một trong những trọng tâm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden là thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hai lĩnh vực này, cùng với đầu tư, sẽ là trụ cột mới quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Vì thế, ông mong doanh nghiệp hai nước dành nguồn lực ưu tiên cho các lĩnh vực đầu tư mới, nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.
Đón thêm vốn đầu tư vào công nghệ bán dẫn
Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Wade Cruse, Đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company (Mỹ), tập đoàn tư vấn thuộc nhóm “Big 3” thế giới, cùng với McKinsey & Company và Boston Consulting Group, gần đây nhận định với KTSG Online rằng Việt Nam là một trong hai quốc gia hàng đầu được các nhà sản xuất bán dẫn lựa chọn kế tiếp.
Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà bán dẫn toàn cầu, ông Wade Cruse khẳng định cơ hội và triển vọng cho Việt Nam về thu hút đầu tư ngành bán dẫn chắc chắn là cao, bên cạnh đất nước khác là Ấn Độ.
Tương tự theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh, kiêm Giám đốc Kỹ thuật dự án của Công ty cổ phần khu công nghiệp Long Hậu, cho rằng thời gian qua nhà cho thuê bất động sản công nghiệp này cũng nhận được sự quan tâm tìm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.
“Trong giai đoạn đầu đến Việt Nam, các nhà đầu tư này chỉ muốn thuê lại nhà xưởng có sẵn để sản xuất thử nghiệm với quy mô nhỏ, nhưng họ có cho biết sẽ tính đến đầu tư quy mô lớn cho 2-3 năm tiếp theo nếu nhận thấy thuận lợi”, ông Hiếu chia sẻ với KTSG Online.
Ông lạc quan với cơ hội thu hút dòng vốn từ Mỹ vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vị doanh nhân này phân tích về các tiềm năng Việt Nam sở hữu, đơn cử như nằm bên cạnh “công xưởng” thế giới – Trung Quốc và cũng có nguồn đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, đồng thời là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn.
Dẫn chứng các nghiên cứu và báo cáo trên thế giới được công bố cho rằng trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, ông Hiếu tự tin Việt Nam khá thuận lợi để thu hút các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn tiếp theo.
Nói về lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư của các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu, ông Wade Cruse của Bain & Company cũng cho rằng Việt Nam có hệ sinh thái ngành bán dẫn được hình thành rất tốt, có tài năng, kỹ thuật công nghệ, và có cả hệ thống những công ty nhỏ phục vụ cho ngành.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, được chứng minh bởi các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp công nghệ Mỹ vào Việt Nam như công ty Amkor Technology hay tập đoàn Intel, với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới của công ty được đặt tại TPHCM.
Các lãnh đạo doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ chỉ ra rằng “back-end” là lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng then chốt tại Việt Nam, theo Reuters. “Back-end” dùng để chỉ giai đoạn sau khi các thành phần cơ bản của chip bán dẫn đã được tạo ra thông qua quy trình chế tạo mạch (front-end), ví dụ như chia wafer (tấm silicon lớn chứa nhiều chip), sản xuất thành phẩm, kiểm định, đóng gói.
Thâm nhập vào thị trường bán dẫn hàng ngàn tỉ đô la
Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trong đó có 38 doanh nghiệp FDI và hai doanh nghiệp lớn trong nước. Đáng chú ý, thời gian gần đây cũng có các nhà sản xuất bán dẫn và thiết kế bán dẫn đã tiếp tục tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam, đáng chú ý là doanh nghiệp từ Mỹ.
Nối tiếp Intel, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đã và đang tìm đến Việt Nam như một cứ điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới. Điển hình như Amkor Technology đầu tư 1,6 tỉ đô la xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 1-2 tháng tới.
Đây sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu. Synopsys đang đầu tư thành lập Trung tâm thiết kế Chip bán dẫn và Trung tâm ươm mầm sáng tạo hợp tác cùng Khu công nghệ cao TPHCM.
Đáng chú ý, cách đây hơn 3 tháng, Tập đoàn Công nghệ Marvell (Mỹ) công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TPHCM trên cơ sở nâng cấp chi nhánh công ty đặt tại Khu Chế xuất Tân Thuận (TPHCM).
Việc Tập đoàn hàng đầu về giải pháp vi mạch và bán dẫn phục vụ cơ sở hạ tầng dữ liệu với hơn 10.000 bằng sáng chế trên khắp thế giới thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam được giới phân tích đánh giá là một bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, Tập đoàn có khoảng 20 trung tâm thiết kế trên thế giới. Với việc “nâng cấp” này, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell (cùng với 3 trung tâm gồm Mỹ, Ấn Độ và Israel).
“Trung tâm thiết kế ở Việt Nam sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất; đồng thời là nơi làm việc lý tưởng đối với các kỹ sư công nghệ Việt Nam, cho phép họ trau dồi các kỹ năng chuyên môn, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn”, ông Đạm nhấn mạnh.
Trong “cuộc đua” tham gia vào chuỗi giá trị quan trọng này, theo TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn nhờ vào lợi thế cạnh tranh về địa chính trị, nền kinh tế cởi mở và hội nhập, các nền tảng về nguồn nhân lực và những tích lũy khác được tạo ra trong suốt 20 năm qua của ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn.
Cũng theo ông Thi, quy mô của ngành điện tử Việt Nam đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong khâu thiết kế và đóng gói.
Theo đánh giá của Marvell, trong hơn 10 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án. “Nguồn nhân lực của Việt Nam đã phát triển đủ để có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất. Đó là lý do tại sao Marvell quyết định nâng tầm Marvell Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế tầm cỡ thế giới”, Phó Chủ tịch Marvell, TS. Lợi Nguyễn chia sẻ.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực vi mạch.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nếu xét trên thực tế toàn chuỗi cung ứng, Việt Nam mới chỉ đóng góp một phần nhỏ. Để làm ra một chip, có ba khâu cơ bản gồm: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Việt Nam, với đại diện chính là nhà máy Intel tại SHTP, hiện chỉ tham gia ở khâu cuối cùng trước khi chip được đưa ra thị trường. Đây cũng là phần chiếm tỷ lệ giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định, nhà đầu tư Mỹ cũng như các nước khác chắc chắn không chỉ đến Việt Nam, mà còn có những động thái tương tự, thăm dò môi trường đầu tư với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Philippines… Doanh nghiệp Mỹ đang tìm nhà cung cấp, nơi đầu tư để tạo nên chuỗi giá trị mới. Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá phải nắm bắt cơ hội.
Các nhà tư vấn đầu tư khuyến nghị, đối với nhà đầu tư Mỹ, tính minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng, đó là kiểm soát tham nhũng khi xử lý thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức phải chấm dứt.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm chip bán dẫn trong nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất ô tô, chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo, điện tử, gia dụng… đã thúc đẩy mở rộng nhanh chóng thị trường chất bán dẫn toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và tham gia vào thị trường bán dẫn toàn cầu. Để đạt được điều này, Việt Nam phải giải quyết một số trở ngại như: thiết lập chuỗi cung ứng nội địa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tài trợ cho nghiên cứu và phát triển và hợp tác với các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, đáng chú ý là cần đào tạo lực lượng lao động lành nghề, chất lượng để có thể tham gia vào ngành.