Free website hits

Tin tức - sự kiện

Cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Lượt xem: 178324/07/2019Chia sẻ

Ngày 23/07/2019, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) đã phối hợp Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ban Quản lý Khu công nghiệp Long Hậu tổ chức Hội thảo Kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu dành cho doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất. Hội thảo được tổ chức tại văn phòng Công ty Cổ phần Long Hậu với sự tham dự của 54 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

hoi thao usaid long hau

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giúp tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam, xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện – điện tử từ các thị trường quốc tế sang nước tà và đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 mở ra nhiều cánh cửa mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hội thảo Kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu dành cho doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực cơ khí – điện tử kết nối với nhà mua hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chương trình có sự tham gia của ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần Liên kết Doanh nghiệp nước ngoài, Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của USAID; ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng xúc tiến đầu tư ITPC; ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty Cổ phần Long Hậu; ông Thuận Vương, Chuyên viên tư vấn thuế KPMG cùng đại diện 54 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Hiệp định CPTTP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, mở ra thời kỳ hội nhập kinh tế mới, tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện KPMG cho biết, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78 – 95% số dòng thuế, với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 – 10 năm, đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 98 – 100% số dòng thuế. Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/01/2019. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các FTA đã có.

hoi thao usaid long hau

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đánh giá, CPTPP mang đến nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Một thách thức lớn không thể không nhắc đến đối với hàng hóa Việt Nam đó là quy tắc xuất xứ hàng hoá. Một số ngành được đánh giá là hưởng lợi nhiều khi tham gia CPTPP như da giày, dệt may…cũng gặp rào cản về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, với những quy định trong CPTPP, các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ thị trường các nước tham gia Hiệp định cho đến “sân nhà”.

Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin, đồng thời chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định, để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

LinkSME: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng tin cậy cho các doanh nghiệp nước ngoài

Theo đánh giá của ông Frank Weiand, khả năng tăng trưởng hiện nay của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước là 58 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam (SME) chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và tạo ra 63% số lượng việc làm, đóng góp 45% GDP cả nước, song đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu và chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài”, ông Frank Weiand cho biết.

hoi thao usaid long hau

Điều đáng quan ngại nữa, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam chưa hài lòng về chất lượng và năng lực của các nhà cung cấp nội địa. Nguyên nhân do các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, thiếu nhân viên có tay nghề, trình độ quản lý còn kém, rào cản ngôn ngữ… Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế cũng như thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp...

Nhằm mục tiêu củng cố mối quan hệ bên mua – bên bán giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, USAID giới thiệu Dự án Kết nối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) với với chuỗi cung ứng toàn cầu. LinkSME cũng giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh trong khu vực bằng cách làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên hấp dẫn và dễ dự đoán hơn.

hoi thao usaid long hau
Một đại diện doanh nghiệp thắc mắc về điều kiện tham gia dự án LinkSME

Hướng tiếp cận của dự án LinkSME có sự khác biệt bởi dự án này bắt đầu từ nhu cầu của bên mua; kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp nước ngoài; Hỗ trợ kỹ thuật và kết nối. Một khi doanh nghiệp nhỏ và vừa được kết nối với bên mua tiềm năng và hiểu yêu cầu của bên mua, khả năng được tăng cường năng lực kết nối của doanh nghiệp là chắc chắn.

Để đón đầu những cơ hội mới, ông Frank Weiand khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào dự án LinkSME, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nước nhà.

Khu công nghiệp Long Hậu - Đối tác phát triển bền vững
Địa chỉ: Ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
Hotline: (+84 28) 3937 5599 - (+84) 906 938 599
Email:
sales@longhau.com.vn
Fanpage: fb.me/longhau.com.vn
Zalo Official: https://zalo.me/2384735100152725129