Free website hits

Cập nhật tài liệu pháp lý

Bản tin pháp luật kỳ 4 - 2018

16/11/2018Chia sẻ
LHC kính gửi đến Quý Doanh nghiệp Bản tin Pháp Luật kỳ 4-2018 gồm thông tin về các văn bản pháp luật mới có hiệu lực bên dưới.
 
I.    Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.
Quy định nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, bên cạnh đó cũng bổ sung nhiều quy định mang tính cải cách theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ. Dưới đây sẽ khái quát một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 108/2018/NĐ-CP.
1. Đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập, hoạt động trên thị trường, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã có một số quy định nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ cũng như trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Một là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về việc yêu cầu nộp Điều lệ của chủ sở hữu trong trường hợp đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên.
Theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì một trong các giấy tờ doanh nghiệp phải có khi đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên là bản sao hợp lệ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã giảm bớt các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên. Theo đó, trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức thì hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ yêu cầu bản sao hợp lệ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty, không yêu cầu nộp Điều lệ của chủ sở hữu.
Hai là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP cũng bãi bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính trong trường hợp đăng ký giảm vốn điều lệ công ty.
Ba là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã quy định rõ văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Quá trình theo dõi và thực hiện công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp cho thấy có nhiều trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không trực tiếp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp mà thường ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sẽ bao gồm văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định cụ thể văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp có phải công chứng, chứng thực hay không. Điều này đã dẫn đến việc áp dụng không thống nhất trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình thực hiện.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các Phòng Đăng ký kinh doanh thống nhất thực hiện, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
2. Đơn giản hóa các quy định liên quan đến con dấu của doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp đã có những quy định cải cách đột phá trong việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật. Thực tiễn đã cho thấy việc cải cách các quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị định số 78/2015/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện triệt để tinh thần của Luật Doanh nghiệp, tiến thêm một bước cải cách nữa trong việc quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã có một số thay đổi nổi bật như sau:
Một là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải đóng dấu trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Nghị quyết, Quyết định, Biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Quy định này một mặt sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ hạn chế dần vai trò của con dấu để con dấu không còn là công cụ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Với quy định này, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu.
Hai là, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã tối giản hóa thủ tục thông báo mẫu dấu. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, không cần nộp hồ sơ bằng bản giấy đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Với thủ tục này, doanh nghiệp sẽ không mất thời gian chờ đợi và như vậy thời gian hoàn thành thủ tục hành chính chỉ trong một thời gian rất ngắn (dưới 1 giờ). Điều này dự kiến sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện Chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
 

 
3. Cải tiến quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử
Thực tiễn thi hành cho thấy một số quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP chưa thực sự tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Để tiến thêm một bước nữa trong quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp và hướng đến mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử theo nhiệm vụ tại Nghị quyết 36ª/NQ-CP, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã cải tiến quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
4.  Cắt giảm thủ tục thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập công ty cổ phần
Theo quy định hiện nay thì công ty cổ phần phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh khi có bất kỳ sự thay đổi thông tin nào đã đăng ký của cổ đông sáng lập. Điều này vô hình chung đã tạo ra gánh nặng và chi phí tuân thủ không đáng có cho doanh nghiệp hoặc thậm chí là công cụ để một số cổ đông lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhằm hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp trong hoạt động sau đăng ký thành lập, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã giới hạn các trường hợp phải thay đổi thông tin cổ đông sáng lập chỉ còn một trường hợp là cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua. Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần trong các trường hợp khác sẽ được bãi bỏ.
5.  Nâng cao sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc lập địa điểm kinh doanh
Theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Quy định này đã hạn chế quyền tự do tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp đồng thời tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp khi phải thành lập chi nhánh để quản lý hoạt động của địa điểm kinh doanh. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và cắt giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và đảm bảo sự linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động trên thị trường, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bỏ quy định doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
6. Sửa đổi quy trình đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án theo hướng thuận lợi hơn, minh bạch hơn cho doanh nghiệp
Trong thời gian vừa qua, có nhiều vướng mắc liên quan đến việc giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án. Với quy định hiện nay thì sau khi nhận được bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, doanh nghiệp vẫn phải hoàn thiện hồ sơ bao gồm các giấy tờ như quyết định, biên bản họp... để thực hiện phán quyết đó. Nhằm đảm bảo quyết định của Tòa án được thực hiện một cách nghiêm minh, nhanh chóng và đúng pháp luật, Dự thảo Nghị định đã thiết kế theo hướng đơn giản hóa tối đa thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án. Theo đó, chỉ cần bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đề nghị của người có thẩm quyền thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
7. Bổ sung hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Thực hiện quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Theo đó, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh chỉ bao gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.
8. Bổ sung cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với một số trường hợp quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đến trụ sở của Phòng Đăng ký kinh doanh để giải trình trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo về hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thực tế thi hành cho thấy nhiều doanh nghiệp khi nhận thông báo có đến Phòng Đăng ký kinh doanh để giải trình nhưng nội dung giải trình mang tính đối phó, thậm chí không tôn trọng cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng cho Phòng Đăng ký kinh doanh trong việc thực hiện quy định và giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do vậy, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP bổ sung quy định về việc Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không đến giải trình hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc xem xét nội dung giải trình của doanh nghiệp.
Nghị định số 108/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2018. Với những quy định mang tính cải cách, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta trong thời gian tới.
II.    Quy định mới trong lĩnh vực luật lao động
Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn gửi thang, bảng lương
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2018 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Cụ thể, Nghị định này quy định doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
III.    Quy định mới trong lĩnh vực về thuế
Ngày 12/09/2018, Chính phủ ban hành nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2018 và có một số nội dung chủ yếu sau đây:
Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định chậm nhất là ngày 1/11/2020 phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sử dụng hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, Nghị định 119 đã đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử trong vòng 24 tháng, từ ngày 1/11/2018 đến 1/11/2020.
Vì vậy, trước ngày 1/11/2020, việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được thực hiện như sau:
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đang sử dụng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày 1/11/2018  thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/10 /2020 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ - CP ngày 14/ 5/2010 và Nghị định  04/2014/NĐ - CP ngày 17/ 01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Trong thời gian từ ngày 01 /11/2018 đến ngày 31/10 /2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử có mã nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy  thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày 01 /11 /2018 đến ngày 31/10/ 2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Đối với tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục công lập, cơ sở y tế công lập) đã sử dụng Phiếu thu tiền thì tiếp tục sử dụng Phiếu thu tiền đã sử dụng và chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử (hoặc Phiếu thu tiền điện tử) theo lộ trình của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý số hóa đơn giấy còn tồn khi doanh nghiệp đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Tổng cục Thuế cũng sẽ cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp như:  Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;  Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp..
Được biết, thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lựa chọn một số doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực điện lực, viễn thông, hàng không… là các doanh nghiệp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng, các doanh nghiệp phát sinh khối lượng hóa đơn giấy lớn, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển để tham gia triển khai thí điểm hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Đến nay, việc triển khai hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp được khách hàng chấp thuận, mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Về phía khách hàng, thói quen sử dụng hóa đơn giấy của khách hàng đã dần thay đổi, khách hàng đã hợp tác hơn với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán, khách hàng có thể truy cập vào Website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần do đó khách hàng không phải lưu trữ, bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn và tiết kiệm được chi phí do không phải in ra giấy.
IV.    Lĩnh Vực Thương Mại
Bãi bỏ quy định về đối tượng thông báo website
Tại Thông tư 21/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 18/10/2018, Bộ Công Thương đã sửa đổi nhiều quy định về quản lý thương mại điện tử tại Thông tư 47/2014/TT-BCT và Thông tư 49/2015/TT-BCT.
Cụ thể như sau:
- Bãi bỏ quy định về đối tượng thông báo website thương mại điện tử bán hàng tại Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BCT.
- Sửa đổi đối tượng đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Điều 13 Thông tư 47/2014/TT-BCT.
Theo đó, đối tượng đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Dịch vụ khuyến mại trực tuyến và Dịch vụ đấu giá trực tuyến.
- Bãi bỏ quy định về đối tượng đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử tại Điều 21 Thông tư 47/2014/TT-BCT.
V. Lĩnh Vực Xuât Nhập Khẩu:
Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thông tư 15/2018/TT-BCT về việc phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 29/06/2018, có hiệu lực từ ngày 15/08/2018.
Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi áp dụng với thương nhân là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hoặc được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.
Chế độ Luồng Xanh cũng được áp dụng đối với thương nhân đáp ứng các điều kiện sau đây: Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất trước thời điểm đề nghị xét duyệt chế độ Luồng Xanh; Có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và điện tử) đầy đủ đảm bảo chứng minh tính xác thực của C/O và xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ; Thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua www.ecosys.gov.vn và có tần suất đề nghị cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm.
VI.    Lịch nghỉ chính thức Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các kỳ nghỉ lễ 2019
Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về lịch nghỉ lễ, Tết chính thức năm 2019 cho thấy, lịch nghỉ dài ngày nhất là Tết Nguyên đán 2019 với 9 ngày và lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2019 là 5 ngày nghỉ.
Theo thông báo chính thức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về lịch nghỉ lễ, Tết trong năm 2019 được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Các dịp lễ khác trong năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể, dịp Tết Âm lịch Kỷ Hợi 2019, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ liền 9 ngày, từ thứ Bảy ngày 02/02/2019 đến hết chủ Nhật ngày 10/02/2019 (tức là ngày 28/12 năm Mậu Tuất đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Tính cả thứ Bảy và chủ Nhật.
Trong đó, dịp Tết Dương lịch 2019, công chức, viên chức nghỉ từ thứ Hai, ngày 31/12/2018 đến hết thứ Ba ngày 01/01/2019, đi làm bù vào thứ Bảy ngày 05/01/2019
Như vậy, dịp Tết Dương lịch, công chức, viên chức nghỉ liền 04 ngày, từ ngày thứ Bảy 29/12/2018 đến hết thứ Ba ngày 01/01/2019.
Dịp lễ kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5/2019:
Công chức, viên chức nghỉ từ thứ Hai ngày 29/04/2019 đến hết thứ Tư ngày 01/05/2019; đi làm bù vào thứ Bảy ngày 04/05/2019. Như vậy, tính cả thứ Bảy, chủ Nhật, dịp lễ 30/4-1/5 được nghỉ 5 ngày.
Dịp Quốc Khánh 2/9/2019, nếu cộng thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần, thì người lao động sẽ được nghỉ tổng cộng 3 ngày, từ thứ Bảy ngày 31/08/2019 đến hết thứ Hai ngày 02/09/2019.