BẢN TIN PHÁP LUẬT KỲ I – 2020
CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH NỔI BẬT QUÝ 3 NĂM 2020
LĨNH VỰC LUẬT LAO ĐỘNG – BẢO HIỂM:
1. Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc
Ngày hiệu lực: 15/09/2020
Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh cho NLĐ
Quy định này áp dụng cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định, người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:
Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
- Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
- Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
Hỗ trợ kinh phí chữa bệnh không quá 15 triệu đồng
Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp như sau:
Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
- Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
Giảm điều kiện hưởng tiền chữa bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Điều 20 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 khi có đủ các điều kiện sau:
- Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
- Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp.
- Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.
NLĐ không nghỉ việc không được nghỉ dưỡng sức
Căn cứ Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động.
Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này còn quy định trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.
2. Thay đổi quy định cấp Giấy xác nhận không mắc COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh
Ngày 17/9/2020, Bộ Y tế có Công văn 4974/BYT-DP về xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh (thay thế Công văn 4847/BYT-DP ngày 11/9/2020).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 08/9/2020; Bộ Y tế (Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19) đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
- Đối với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS- CoV-2: đề nghị các tổ chức, đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài lập danh sách cụ thể, xong chủ động liên hệ với các cơ sở xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp giấy phép xét nghiệm xác định để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm theo quy định.
(Trước đó, theo Công văn 4847/BYT-DP, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam cần xuất cảnh và có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2: đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam hoặc tổ chức, đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài lập danh sách cụ thể, gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (Bộ Y tế) hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố (Sở Y tế) để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm).
Các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cho cá nhân do tổ chức, đơn vị có yêu cầu; nếu kết quả xétnghiệm dương tính thì lập tức thực hiện ngay các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.
3. Công văn 771/TLĐ năm 2020 về miễn đóng đoàn phí công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Áp dụng thời điểm 31/12/2020
Theo đó, Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt nam thống nhất bổ sung thêm một đối tượng không phải đóng phí công đoàn như sau:
Đối với đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở thì không phải đóng đoàn phí công đoàn trong thời gian hưởng mức thu nhập nêu trên (hiện hành mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng).
Thời gian thực hiện việc miễn đóng đoàn phí công đoàn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chỉ áp dụng cho đến hết thời điểm 31/12/2020.
Ngoài đối tượng nêu trên thì theo quy định hiện hành tại Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 thì những đối tượng sau cũng không phải đóng đoàn phí công đoàn:
- Người không tham gia công đoàn;
- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí;
- Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó cũng không phải đóng đoàn phí.
4. Chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động từ ngày 01/01/2021
Từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động chỉ được giao kết theo một trong hai loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Căn cứ quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong 02 loại sau đây:
(1) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
(2) Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
- Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ các trường hợp sau:
+ Hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước
+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ cao tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 149 BLLĐ 2019.
+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 151 BLLĐ 2019.
+ Trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
03 loại hợp đồng lao động hiện nay gồm:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.