Free website hits

Cập nhật tài liệu pháp lý

TỔNG HỢP BẢN TIN PHÁP LUẬT QUÝ II NĂM 2023

26/07/2023Chia sẻ
A.    DANH MỤC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP:
 
1. Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2023 (có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2023)
2. Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 15/7/2023
3. Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong lao động có hiệu lực từ ngày 01/4/2023
4. Cập nhật mức lương hưu mới, chính sách bảo hiểm XH mới
5. Áp dụng mã QR trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
6. 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử
7. Hướng dẫn mới về việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng
8. Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
9. Bổ sung bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
10. Lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ sẽ được khám phụ sản
11. Cho phép bảo lãnh ngân hàng theo phương thức điện tử
12. Thay đổi loạt quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 20/5/2023
13. Điểm mới của Thông tư 02/2023/TT-BTNMT về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
14. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
15. Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền
16. Quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN
 
B.    NỘI DUNG CỤ THỂ:
1. Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2023 (có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2023)
 
Ngày 14/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Nhóm đối tượng được gia hạn được quy định tại Điều 3 của Nghị định, theo đó, thời gian áp dụng việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2023, cụ thể:

- Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2023 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2023 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định này.
+ Thời gian gia hạn là 06 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 và quý I năm 2023.
+ Thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6 năm 2023 và quý II năm 2023.
+ Thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2023.
+ Thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2023.
Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại Điều 3 Nghị định 12/2023/NĐ-CP. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với số tiền thuế phải nộp phát sinh năm 2023 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 Nghị định 12/2023/NĐ-CP. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại chậm nhất là ngày 30/12/2023.

- Tiền thuê đất: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định này đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023. Có thể bạn quan tâm: Chi phí thuê đất khu công nghiệp tại Long Hậu

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2023.

2. Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 15/7/2023
 
Ngày 31/5/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2023. Theo đó, Thông tư quy định một số nội dung liên quan đến xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Thông tư 33/2023/TT-BTC, trước khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức, cá nhân có đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa thì nộp bộ hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ.

Cụ thể, hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ gồm:

- 01 bản chính Đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- 01 bản chụp Bảng kê khai chi phí sản xuất và Bảng khai báo xuất xứ của nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên liệu trong nước trong trường hợp nguyên liệu, vật tư đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;

- 01 bản chụp quy trình sản xuất hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần (nếu có);

- 01 bản chụp Catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa.

Sau đó, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn quy định. Tổng cục Hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thực hiện thủ tục xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định Luật Hải quan và Nghị định 59/2018/NĐ-CP.

Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định rõ, khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan khai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên tờ khai hải quan điện tử tại ô “mô tả hàng hóa”. Cụ thể như sau: Trường hợp hàng hóa xuất khẩu đáp ứng xuất xứ Việt Nam thì khai theo cấu trúc “mô tả hàng hóa#&VN”. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ từ nước khác, khai theo cấu trúc “mô tả hàng hóa#& (mã nước xuất xứ của hàng hóa)”.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ các nước khác nhau, không xác định được xuất xứ của hàng hóa hoặc hàng hóa xuất khẩu chỉ thực hiện một số công đoạn gia công lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam, không đáp ứng quy định tại 2 trường hợp nêu trên thì khai theo cấu trúc “mô tả hàng hóa#&KXĐ”.
Đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì khai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại ô “xuất xứ” trên tờ khai hải quan giấy.

Ngoài ra, nếu hàng hóa xuất khẩu đã được xác định trước xuất xứ theo văn bản thông báo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, người khai hải quan khai số, ngày, thời hạn hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ tại ô “giấy phép” trên tờ khai hải quan điện tử.

Khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan. Trường hợp người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ, cơ quan hải quan tiếp nhận và kiểm tra theo quy định.
Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong thông quan.

Bộ Tài chính quy định, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên cơ sở kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan thì chấp nhận xuất xứ hàng hóa. Trường hợp Chi cục Hải quan có đủ căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa không đúng theo nội dung khai trên tờ khai hải quan thì xử lý theo quy định và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung.

Ngoài ra, nếu Chi cục Hải quan có cơ sở nghi ngờ xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc có thông tin cảnh báo về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo phương thức, mức độ do Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định. Đồng thời đề nghị người khai hải quan trong thời hạn 10 ngày phải nộp 1 bản chụp một trong các tài liệu để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu gồm: Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có). Trường hợp áp dụng tiêu chí xuất xứ “Tỷ lệ phần trăm của giá trị” thì nộp hóa đơn, chứng từ mua bán nguyên liệu, vật tư; Quy trình sản xuất...

Trường hợp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan có cơ sở nghi ngờ về tính xác thực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa ghi trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nghi ngờ người khai hải quan tẩu tán hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu liên quan đến việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu thì báo cáo, đề xuất Cục Hải quan tỉnh, thành phố xác minh tại cơ quan, tổ chức cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Đối với trường hợp người khai hải quan tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc nộp chứng từ chứng minh không đúng thời hạn quy định hoặc chứng từ cung cấp không đủ cơ sở để xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, thì Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan báo cáo, đề xuất Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu được thực hiện thủ tục hải quan, thông quan theo quy định.
 
Tham khảo thêm các dịch vụ nổi bật tại Long Hậu:
 
3. Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong lao động có hiệu lực từ ngày 01/4/2023
 
Ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Theo nội dung Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động được quy định như sau:

- Căn cứ vào quy định về trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân được ban hành tại Thông tư này và thời hạn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được quyết định, hằng năm, người sử dụng lao động tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để lập kế hoạch mua sắm (bao gồm cả dự phòng), trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

- Kiểm tra chất lượng phương tiện bảo vệ cá nhân trước khi trang cấp, trong quá trình sử dụng. Trường hợp cấp phát cho người đại diện ở tổ đội, phân xưởng nơi người lao động làm việc thì phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc giao nhận phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

- Lập sổ trang cấp, theo dõi việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân có chữ ký xác nhận của người lao động hoặc người đại diện của tổ đội, phân xưởng nơi người lao động làm việc nhận phương tiện bảo vệ cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện số hóa việc theo dõi, cấp phát trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, bảo đảm việc xác nhận của người lao động phù hợp với ứng dụng công nghệ thông tin.

- Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi quyết định thời hạn sử dụng, số lượng phương tiện bảo vệ cá nhân trang cấp cho người lao động.

- Bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động và quy định tại Thông tư này.

- Khi thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này, người sử dụng lao động phải đồng thời báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này để đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung vào danh mục.
 
4. Cập nhật mức lương hưu mới, chính sách bảo hiểm XH mới
 
Mức hưởng lương hưu năm 2023 được tính căn cứ vào tỷ lệ hưởng lương hưu theo mức lương đóng BHXH của người lao động. Với cùng một thời gian đóng BHXH nhưng mức lương đóng BHXH khác nhau thì mức hưởng lương hưu sẽ khác nhau.
Mức hưởng đối với lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Mức hưởng lương hưu năm 2023 đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (hướng dẫn chi tiết tại Điều 7, Nghị Định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015). Cụ thể như sau:
Mức lương hưu hằng tháng = tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó:
(1) Tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2023 được tính như sau:

- Lao động nữ: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

- Lao động nam: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH là 20 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Để có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa năm 2023 là 75% thì: 
Lao động nữ nghỉ hưu năm 2023 đóng đủ 30 năm BHXH trở lên.
Lao động nam nghỉ hưu năm 2023 đóng đủ 35 năm BHXH trở lên.
Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động (theo quy định tại Điều 55, Luật bảo hiểm xã hội 2014) thì giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi. 

(2) Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người tham gia BHXH bắt buộc sẽ phụ thuộc vào tiền lương đóng BHXH hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá (hay hệ số điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH) tương ứng hàng năm. 
Lưu ý: Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.
Mức hưởng đối với lao động tham gia BHXH tự nguyện

Căn cứ theo Điều 74, Luật Bảo hiểm xã hội 2015 (được hướng dẫn chi tiết tại Điểu 3, Nghị định 134/2015/NĐ-CP) thì mức hưởng lương hưu năm 2023 của người lao động tham gia BHXH tự nguyện được tính theo công thức sau:
Mức lương hưu hằng tháng = tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó:
(1) Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính tương tự như sau: 

- Lao động nữ: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

- Lao động nam: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH là 20 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

(2) Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH được tính trên cơ sở hệ số trượt giá.
Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng đối với lao động vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện

Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (không bao gồm thời gian đã tính hưởng BHXH một lần). Mức hưởng được đối với người lao động vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện được tính theo quy định tại Điều 11, Nghị Định 115/2015/NĐ-CP và Điều 5, Nghị định 134/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Mức lương hưu hằng tháng = tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH.
Trong đó:
(1) Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

- Lao động nữ: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

- Lao động nam: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH là 20 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

(2) Áp dụng đối với trường hợp người lao động trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu được tính theo công thức sau:
Mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH = [Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện + (Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc * Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc) ] / Tổng số tháng đóng BHXH( bắt buộc + tự nguyện)
Trong đó: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này.

- Mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là mức thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 79 của Luật Bảo hiểm xã hội.

(3) Áp dụng đối với trường hợp người trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính theo công thức sau:
Mức BQTL và thu nhập tháng đóng BHXH = [Mức bqtl tháng đóng BHXH bắt buộc * Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc + Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện] / Tổng số tháng đóng BHXH (bắt buộc + tự nguyện)
Trong đó: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội.

- Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện đã được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
 
5. Áp dụng mã QR trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
 
Để việc thực hiện số hóa hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được nhanh chóng và thuận lợi, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư 01/2023/TT-VPCP, trong đó, hướng dẫn việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 25/5/2023 như sau: 

- Việc áp dụng cung cấp mã QR phải bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006). 

- Mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp các dữ liệu tối thiểu sau: 
• Mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. 
• Mã thủ tục hành chính. 
• Mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính. 
• Tên giấy tờ được xuất bản. 
• Tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu. 
• Thời điểm xuất bản. 
• Mã QR trên Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả phải cung cấp thêm ngày hẹn trả kết quả. 
• Mã QR trên Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có). 
 
6. 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử
 
Theo Quyết định số 13/QĐ-BCĐCCHC của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, từ 1/6/2023, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.
 
7. Hướng dẫn mới về việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng
 
Đầu tháng 3, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng, áp dụng từ ngày 20/4/2023. 
Theo Thông tư mới, việc điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng được quy định như sau: 

- Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 14 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP: 

- Việc điều chỉnh đơn giá chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian khi có thỏa thuận.
• Khối lượng công việc thực tế tăng hoặc giảm lớn hơn 20% trong hợp đồng, đồng thời làm thay đổi trên 0,25% giá trị hợp đồng và trên 1% đơn giá của công việc đó hoặc khối lượng phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng: Xác định đơn giá mới theo nguyên tắc đã thỏa thuận. 
• Khối lượng công việc thực tế tăng lớn hơn 20% trong hợp đồng: Đơn giá mới chỉ được áp dụng cho phần khối lượng thực tế thực hiện vượt quá. 
• Khối lượng thực tế thực hiện tăng hoặc giảm nhỏ hơn hoặc bằng 20% khối lượng công việc trong hợp đồng: Áp dụng đơn giá trong hợp đồng. 

- Khi điều chỉnh giá hợp đồng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng.
 
8. Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
 
Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ 1/6/2023. 
Cụ thể, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu.
 
9. Bổ sung bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
 
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 02/2023/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 01/4/2023. 
Theo đó, “bệnh COVID-19 nghề nghiệp” được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. 
Theo Phụ lục 35 Thông tư 02, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Có 02 yếu tố gây nên bệnh bệnh Covid-19 nghề nghiệp bao gồm: 

- Có tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường lao động. 

- Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau: 
• Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2. 
• Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. 
• Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
• Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp theo Thông tư 28/2016/TT-BYT. 
• Từ 20/6/2023, lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ sẽ được khám phụ sản. 
 
10. Lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ sẽ được khám phụ sản
 
Theo Thông tư 09/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20/6/2023, lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản, gồm 4 nội dung: 
1- Khám phụ khoa; 
2- Sàng lọc ung thư cổ tử cung; 
3- Sàng lọc ung thư vú; 
4- Siêu âm tử cung- phần phụ (khi có chỉ định của bác sỹ khám). 
 
11. Cho phép bảo lãnh ngân hàng theo phương thức điện tử
 
Tiếp tục chuỗi chính sách mới có hiệu lực tháng 4/2023 là những quy định mới về bảo lãnh ngân hàng được đề cập trong Thông tư 11/2022/TT-NHNN. 
Thông tư 11 đã bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử, từ đó cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng bằng phương thức điện tử. Quy định này được áp dụng từ ngày 01/4/2023. 

Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật. 
Lưu ý, việc nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử sẽ bị giới hạn giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh: 

• Khách hàng là cá nhân: Giá trị mỗi cam kết bảo lãnh không quá 4 tỷ đồng. 
• Khách hàng là tổ chức: Giá trị mỗi cam kết bảo lãnh không quá 45 tỷ đồng. 

Giới hạn này không áp dụng với các trường hợp như: Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh thông qua hệ thống SWIFT; khách hàng sử dụng chữ ký số khi đề nghị cấp bảo lãnh; khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,…
 
12. Thay đổi loạt quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đấttừ 20/5/2023
 
Ngày 03/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. 
Với việc đưa vào áp dụng từ ngày 20/5/2023, Nghị định 10/2023/NĐ-CP sẽ đem đến loạt thay đổi liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều quy định khác liên quan đến quyền sử dụng đất, bao gồm: 

- Cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đáp ứng đủ điều kiện. Nhờ đó, Resort, Villa, Condotel,... tới đây sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

- Sửa đổi thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: khi đăng ký biến động đất đai hoặc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đấttại địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì cho phép văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đó thẩm quyền này thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. 

- Bổ sung điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đáp ứng các điều kiện: 
+ Nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất; 
+ Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
 
13. Điểm mới của Thông tư 02/2023/TT-BTNMT về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
 
Bổ sung hướng dẫn về hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất tăng thêm theo Điều 2 của Thông tư 02/2023/TT-BTNMT có các quy định sau đây: 

- Trường hợp cấp Giấy chứng nhận: Trong trường hợp diện tích đất tăng thêm do nhận chuyển nhượng, thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm các giấy tờ sau: 
+ Đơn đề nghị cấp lại hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 10/ĐK cho toàn bộ diện tích đất đang sử dụng. 
+ Bản gốc Giấy chứng nhận của thửa đất gốc. 
+ Giấy chứng nhận và hợp đồng, văn bản chuyển nhượng, thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất của diện tích đất tăng thêm. 

Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho phần diện tích đất tăng thêm trước ngày 01/07/2014 mà bên nhận chuyển quyền chỉ có Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất, hồ sơ cần nộp bao gồm: Bản gốc Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, văn bản chuyển nhượng, thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất của diện tích đất tăng thêm. 

Sửa thẩm quyền xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi đăng ký biến động, theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BTNMT đã sửa đổi quy định xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi đăng ký biến động đất đai tại khoản 3 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (được bổ sung bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) như sau: 

- Cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT cụ thể: 
+ Việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung). 
+ Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. 
+ Trong trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận. 

- Đối với trường hợp quy định tại điểm n khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT như sau: 
+ Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. 
+ Sau khi hoàn thành thủ tục tại cơ quan tài nguyên và môi trường, hồ sơ sẽ được chuyển cho cơ quan quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. 

Với những thay đổi này, việc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện theo quy trình cụ thể như sau: 

- Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT: 
+ Người đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và nộp đầy đủ hồ sơ liên quan. 
+ Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. 
+ Sau đó, cấp Giấy chứng nhận xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 37 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP). 
+ Trong trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận. 

- Đối với trường hợp quy định tại Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT: 
+ Người đăng ký biến động đất đai nộp hồ sơ tại cơ quan tài nguyên và môi trường. 
+ Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. 
+ Hoàn thành thủ tục tại cơ quan tài nguyên và môi trường, hồ sơ sẽ được chuyển cho cơ quan để cấp Giấy chứng nhận xác nhận thay đổi vào Sổ đỏ. 

Như vậy, việc sửa đổi quy định trong Thông tư 02/2023/TT-BTNMT nhằm đảm bảo sự phù hợp và tuân thủ theo quy định mới nhất tại Nghị định 10/2023/NĐ-CP để thực hiện quy trình cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách chi tiết và rõ ràng.

Trên đây là phần tổng hợp các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong Quý 2/2023.
 
14. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo đó, Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 7 Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường). 

Trong đó, sửa điều kiện với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước. Cụ thể, về kinh nghiệm công tác, người phụ trách kĩ thuật của đề án, báo cáo có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 đề án, báo cáo.
Nghị định 22/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. 

-    Khoản 1 Điều 16, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải lập hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản và nộp cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá. 

-    Còn tại Nghị định 22/2023/NĐ-CP quy định trên được sửa đổi, bổ sung như sau: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải lập hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản và nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá. 
Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Cụ thể, sửa đổi Điều 32 khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản. 

-    Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản phải có văn bản và kế hoạch khảo sát, lấy mẫu gửi UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thăm dò khoáng sản bằng cách trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến đến Trung tâm Phục vụ hành chính công (hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường). 

-    Mẫu trên mặt đất bao gồm mẫu trọng sa, kim lượng, mẫu thạch học, khoáng tướng, mẫu rãnh lấy tại các vết lộ, gồm cả mẫu rãnh tại các vết lộ, các công trình khảo sát, thăm dò khoáng sản đã thực hiện trước đó (nếu có), số lượng của mỗi loại mẫu không quá 50 mẫu; trọng lượng 01 mẫu rãnh không quá 15 kg (riêng đối với mẫu đá ốp lát có thể tích không quá 0,4 m3). Thời gian lấy mẫu trên mặt đất không quá 01 tháng. 

-    Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân, UBND cấp tỉnh phải có văn bản thông báo việc chấp thuận hoặc không chấp thuận bằng các hình thức trả kết quả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lí do.
 
15. Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28-4-2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. 

Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật phòng, chống rửa tiền về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lí và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước; căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc danh sách đen và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo trì hoãn giao dịch. 

Về nguyên tắc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo các tiêu chí, phương pháp được pháp luật quy định, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. 

Nghị định cũng quy định tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền; tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền và tiêu chí hậu quả rửa tiền của quốc gia và của ngành, lĩnh vực. Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo lưu trữ tại tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và thông tin, hồ sơ, tài liệu tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thu thập được trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phục vụ công tác phân tích, trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.
 
16. Quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN
 
Ngày 23/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. 
Theo đó, ngưng hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. 

Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo quy định tại Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng kí giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:
 
a) Đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN; 
b) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng kí kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; 
c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. 

Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực 24/4/2023.