[Hướng dẫn] Mở cửa hàng tiện lợi dễ dàng, nhanh chóng
Mở cửa hàng tiện lợi là một hướng kinh doanh mới nổi và ngày càng phổ biến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, để mở một cửa hàng tiện lợi bài bản, nhanh chóng lấy được lợi nhuận là điều không hề đơn giản. Tham khảo bài viết sau để có thêm kinh nghiệm trong việc mở cửa hàng tiện lợi!
Các bước mở cửa hàng tiện lợi
Để mở cửa hàng tiện lợi nhanh chóng lấy được lợi nhuận đòi hỏi chủ đầu tư phải tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều. Sau đây là bốn bước cơ bản để mở cửa hàng tiện lợi mà chủ đầu tư có thể tham khảo.
Chuẩn bị vốn và tính toán chi phí cẩn thận, hợp lý khi mở cửa hàng tiện lợi
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất giúp chủ đầu tư triển khai việc kinh doanh cửa hàng tiện lợi đó là nguồn vốn. Hiện nay, việc lựa chọn đầu tư vào các cửa hàng tiện lợi đã có thương hiệu sẵn như Circle K, Co.op Food, Bách Hóa Xanh,... sẽ giúp tăng tỷ lệ thu hồi vốn. Tuy nhiên, đầu tư vào các thương hiệu lớn đồng nghĩa với nguồn vốn lớn và phải có kế hoạch chi tiết, phù hợp.
Nguồn vốn mà chủ đầu tư cần hoạch định sẽ vào khoảng 450 triệu đồng, bao gồm thuê mặt bằng, thiết bị lắp đặt hệ thống cửa hàng, nhập hàng hóa ban đầu, nhân viên bán hàng, bảo vệ, bốc xếp,...
Ngoài các chi phí này, chủ đầu tư còn cần dự trù các khoản phát sinh khác, nhất là khả năng “gồng lỗ” trong một thời gian ngắn, khi chưa có nhiều khách hàng.
Chuẩn bị vốn và tính toán chi phí cẩn thận, hợp lý khi mở cửa hàng tiện lợi
Lựa chọn địa điểm kinh doanh, thuê mặt bằng
Để việc kinh doanh mở cửa hàng tiện lợi phát triển, vấn đề lựa chọn địa điểm cũng rất quan trọng. Chủ đầu tư cần chọn mặt bằng tại địa điểm có khu dân cư đông đúc, ngay trường học, chung cư, văn phòng,... Nếu mở cửa hàng tiện lợi ở nông thôn thì nên chọn địa điểm có nhiều người qua lại như trường học, bệnh viện, đường lớn hay ngã ba, ngã tư.
Trong trường hợp chủ đầu tư đã có sẵn mặt bằng thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán thì sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.
Một mặt bằng kinh doanh cửa hàng tiện lợi ít nhất phải có diện tích khoảng 50m2. Bố trí, sắp xếp hàng hóa, quầy, kệ phải hợp lý, sao cho vừa tận dụng hết không gian, vừa có lối đi cho khách hàng dễ dàng di chuyển.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng nên lựa chọn hàng hóa phù hợp với địa điểm kinh doanh. Chẳng hạn như địa điểm cửa hàng tiện lợi ở chung cư, gần khu văn phòng thì các mặt hàng cần tiện lợi, hiện đại, đặc biệt chú ý cập nhật sản phẩm theo xu hướng với chất lượng tốt nhất. Nếu cửa hàng gần trường học, bệnh viện hay địa điểm công cộng thì nên kinh doanh các mặt hàng có giá thành phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
Vì vậy, việc lựa chọn mặt bằng, địa điểm mở cửa hàng tiện lợi rất quan trọng, quyết định lớn đến nguồn vốn mà chủ đầu tư cần sử dụng.
Thiết kế không gian cửa hàng tiện lợi
Không gian trong cửa hàng tiện lợi cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến trải nghiệm và tỷ lệ quay lại của khách hàng. Bởi người tiêu dùng sẽ muốn quay lại một cửa hàng với không gian sáng sủa, thoáng mát, hàng hóa được phân loại dễ tìm hơn.
Lối đi cần thông thoáng, ít nhất 2 người có thể qua lại cùng lúc. Quầy, kệ đạt chất lượng cao, có thời hạn sử dụng lâu dài. Đồng thời phải được thiết kế với chiều cao hợp lý để người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và lấy sản phẩm.
Từng nhóm hàng cần được sắp xếp theo khu vực riêng, thực phẩm tươi sống phải được bảo quản trong ngăn mát, tủ đông. Hoa quả, rau củ được xếp gọn gàng, ngay ngắn trên kệ riêng và cần lắp đặt hệ thống phun sương để giữ độ tươi mới.
Ngoài ra, cửa hàng tiện lợi cũng nên có khu vực cho khách hàng ăn uống, tự phục vụ khi mua các món ăn chế biến tại chỗ.
Hệ thống thông gió, điều hòa cần được bố trí, lắp đặt phù hợp để đảm bảo hàng hóa được bảo quản tốt nhất, không gian thông thoáng cũng giúp khách hàng có cảm giác dễ chịu, thoải mái khi mua hàng.
Không gian trong cửa hàng tiện lợi rất quan trọng, ảnh hưởng đến trải nghiệm và tỷ lệ quay lại của khách hàng
Tìm kiếm nguồn hàng khi mở cửa hàng tiện lợi
Tìm kiếm nguồn hàng kinh doanh cũng là bước quan trọng trong việc mở cửa hàng tiện lợi. Như đã đề cập, những lưu ý về việc lựa chọn hàng hóa, sản phẩm ở trên, chủ đầu tư có thể nghiên cứu để tìm nhà cung cấp phù hợp nhất với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.
Chủ đầu tư có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Ký hợp đồng làm đại lý chính hãng của nhà phân phối.
- Nhập hàng từ các siêu thị lớn, có uy tín.
- Chọn mua hàng hóa số lượng lớn từ chợ đầu mối, nhà vườn,...
- Nhập hàng trực tiếp từ nước ngoài.
Thủ tục mở cửa hàng tiện lợi
Trong quá trình hoàn thiện kế hoạch mở cửa hàng tiện lợi, chủ đầu tư nên tìm hiểu và chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết theo pháp luật Nhà nước ban hành. Một số loại giấy tờ quan trọng có thể kể đến như:
Giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh là điều kiện tiên quyết để một cửa hàng có thể hoạt động. Tuy nhiên, trước khi được nhận giấy phép kinh doanh cửa hàng tiện lợi, chủ đầu tư cần chọn loại hình đăng ký doanh nghiệp. Các loại hình đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
- Hộ kinh doanh.
- Doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty TNHH một thành viên.
- Công ty TNHH hai thành viên.
- Công ty hợp danh.
- Công ty cổ phần.
Thủ tục đăng ký loại hình doanh nghiệp thông thường sẽ mất khoảng 5 ngày và một số giấy tờ liên quan như giấy đề nghị đăng ký thành lập, giấy phép con đối với chuỗi cửa hàng.
Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm có thể được xin tại Chi cục/Cục An toàn thực phẩm hoặc Sở Công Thương.
Hồ sơ chuẩn bị để được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Danh sách các thực phẩm đăng ký kinh doanh.
- Sao y bản chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề thực phẩm.
- Sơ đồ và bản thuyết minh về cơ sở vật chất của cửa hàng tiện lợi.
- Sao y bản chính giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm.
- Sao y bản chính giấy xác nhận đủ sức khoẻ để kinh doanh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh.
Chủ đầu tư nên chuẩn bị giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Các giấy phép đối với những ngành hàng đặc biệt
Một số mặt hàng đặc biệt như rượu, thuốc lá cần có giấy phép kinh doanh rõ ràng, nếu không sẽ bị xem là trái pháp luật.
Xin giấy phép kinh doanh mặt hàng rượu
Chủ đầu tư có thể đăng ký tại Phòng Công Thương thuộc UBND cấp quận, huyện. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn đề nghị cung cấp giấy phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu.
- Cam kết về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
- Sao y bản chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng bán buôn, bán lẻ rượu với ít nhất một nhà phân phối.
- Sao y bản chính giấy phép phân phối rượu, giấy phép bán buôn rượu của thương nhân bán buôn rượu do Bộ Công Thương và Sở Công Thương cấp.
- Sao y bản chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân phân phối rượu.
Xin giấy phép bán lẻ thuốc lá
Chủ đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép bán lẻ thuốc lá bao gồm đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá và một số thủ tục khác.
Chứng nhận phòng cháy chữa cháy
Căn cứ theo Mục 6, Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ cho biết:
Chợ, trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng khối tích từ 3.000m3 trở lên thì cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về phòng cháy chữa cháy.
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.
- Sao y bản chính giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy cùng văn bản nghiệm thu.
- Bảng thống kê các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, trang thiết bị cứu người.
- Phương án chữa cháy.
- Quyết định thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở kèm danh sách nhân sự đã qua đào tạo, huấn luyện.
Chủ đầu tư có thể xin cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy tại trụ sở Phòng/Cục Cảnh sát PCCC thuộc công an tỉnh/thành phố.
Chứng nhận phòng cháy chữa cháy rất quan trọng khi mở cửa hàng tiện lợi
Các lưu ý khi mở cửa hàng tiện lợi
Không hoạt động khi chưa đầy đủ giấy tờ
Chủ đầu tư chỉ nên mở cửa hàng tiện lợi khi mọi giấy tờ, thủ tục pháp lý đã được chuẩn bị đầy đủ. Điều này chứng tỏ năng lực kinh doanh cũng như tạo niềm tin trong lòng người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khi mở cửa hàng tiện lợi và đi vào hoạt động sẽ thường xuyên có các đoàn thanh tra đi kiểm soát. Nếu không có đủ giấy tờ thì cửa hàng tiện lợi có thể sẽ gặp rất nhiều rắc rối như bị phạt hành chính hoặc thậm chí rút giấy phép kinh doanh.
Đảm bảo chất lượng hàng hoá, đặc biệt là thực phẩm
Chủ đầu tư cần trực tiếp hoặc bố trí nhân viên kiểm tra chất lượng hàng hóa, số liệu nhập vào, bán ra mỗi ngày để hàng hóa luôn trong tình trạng tốt nhất. Bên cạnh đó, số liệu được ghi chép, đối chiếu so với hệ thống mỗi ngày sẽ giúp chủ đầu tư tính toán được tình hình tăng trưởng, lời hoặc lỗ của cửa hàng.
Quản lý kho bãi
Vấn đề quản lý kho bãi để cất giữ hàng hóa, nguyên vật liệu cũng rất quan trọng khi mở cửa hàng tiện lợi. Chủ đầu tư nên trang bị thêm hệ thống, phần mềm giúp quản lý tốt khâu này để việc kinh doanh trở nên dễ dàng, tiện lợi hơn.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi mà chủ đầu tư nào khi mới bắt đầu cũng cần phải quan tâm. Hy vọng với những thông tin trên, chủ đầu tư sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai, lên kế hoạch kinh doanh cửa hàng tiện lợi thành công.